We are ABLE là sáng kiến nhằm tăng cường tiếp cận giáo dục cũng như khuyến khích trẻ em dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em gái tại các trường trung học, tiếp tục tham gia học tập; đồng thời tăng cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ thuộc các vùng dân tộc thiểu số.
Dự án kêu gọi người tham gia chia sẻ câu chuyện của bản thân và những người phụ nữ xung quanh với chủ đề: Tầm quan trọng của việc học tập. Đó có thể là câu chuyện có hậu về nỗ lực học hành đưa ai đó tới những ước mơ. Đó có thể là câu chuyện tiếc nuối nhìn lại một cánh cửa học hành ai đó đã bỏ qua để rồi lỡ đi khát khao của mình. Từ câu chuyện đó, bạn có thể truyền cảm hứng cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái tiếp tục học hành và theo đuổi đam mê của mình.
NESCO sẽ là sứ giả mang câu chuyện đó tới trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng, Ninh Thuận, và Hà Giang – địa bàn dự án We are ABLE (Chúng tôi có thể) và đăng tải trên Facebook UNESCO Office in Viet Nam. UNESCO tin rằng những câu chuyện đó sẽ tiếp động lực cho rất nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, bước đi thật xa trên con đường đam mê của mình.
 
Câu chuyện dưới đây đến từ cô gái người dân tộc Tày, Nguyễn Thị Nguyệt, sinh viên khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam
Xin chào mọi người, mình tên là Nguyễn Thị Nguyệt, 19 tuổi, người dân tộc Tày và đang sinh sống tại Đắk Lắk.
Ở địa phương mình có những định kiến như “con gái chỉ cần biết chữ, lấy chồng sinh con”. Thực tế, những cô gái trong thôn mình chỉ mới 16-17 tuổi nhưng đều đã lập gia đình. Cuộc sống họ rất vất vả. Nhìn thấy điều đó, mình đã tự nhủ không thể giống vậy mà phí mất tuổi trẻ.

Với khao khát xóa tan định kiến, mình đặt quyết tâm theo con đường giáo dục để thay đổi cuộc đời. Năm lớp 12, mình đã cố gắng ôn thi và đã đậu ngành Giới và Phát triển tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Ngày đi học đại học, một mình bắt xe ra Hà Nội với bao lo lắng vì mình chỉ là cô gái nông thôn chưa từng ra thành phố lớn. Do kinh tế gia đình khó khăn nên vào năm học, mình vừa đi học, vừa làm thêm để có thể trang trải cuộc sống sinh viên. Hiện tại, mình đã là cô sinh viên chuẩn bị bước sang năm thứ hai, mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã chiến thắng nỗi sợ hãi ngày ấy. Quyết định đi học đại học thực sự rất đúng đắn. Mình đã học được rất nhiều từ cách ăn nói, cách chi tiêu khi sống ở thành phố lớn và sự quyết tâm vượt qua khó khăn.

Bây giờ, mình đã có thể từng bước chạm tới ước mơ thay đổi cuộc đời. Mình đã làm được, còn các bạn thì sao? Mình hi vọng mọi người, đặc biệt là các em gái người dân tộc thiểu số như mình có thể dám mơ ước, đấu tranh xóa bỏ các định kiến giới và mình muốn gửi đến các em thông điệp rằng: “Con đường đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nó là con đường ngắn nhất để thành công”.

Chúc các em luôn tự tin và thành công!
Tìm hiểu thêm về chiến dịch KeepingGirlsinthePicture – Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái tại đây: https://www.facebook.com/UNESCOinVietNam/posts/1498293787186147