Tới tham dự hội thảo tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ba Nha; Đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Văn Phòng Quốc Hội, Vụ các vấn đề xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng doanh nhân nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam; Ngoài ra còn có đại diện một số sở ngành đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Giang, Đăk Lắc… Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã tập trung trao đổi thông tin về quá trình Việt Nam triển khai thực hiện Báo cáo Công ước CEDAW; Thông tin về danh sách các vấn đề Ủy ban CEDAW phản hồi đối với Việt Nam; Và tập huấn các kỹ năng xử lý, thực hiện yêu cầu của Ủy ban CEDAW.

Theo nghĩa vụ báo cáo của quốc gia thành viên về tình hình thực hiện Công ước CEDAW, Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo quốc gia ghép lần 7&8 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW năm 2011 và đã được gửi trình lên Liên Hợp quốc. Theo thông tin từ Ủy ban CEDAW, hiện nay, lịch bảo vệ Báo cáo ghép lần 7&8 của Việt Nam là cuối tháng 7 năm 2015. Các thành viên của Ủy ban CEDAW và đại diện những quốc gia có báo cáo sẽ tổ chức đối thoại và thảo luận về nội dung báo cáo. Ngoài ra, Ủy ban CEDAW cũng nhận thông tin từ các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức, cơ quan Liên hiệp quốc liên quan. Trên cơ sở xem xét Báo cáo, Ủy ban CEDAW sẽ đưa ra các nhận xét kết luận về những yếu tố tích cực, khó khăn trở ngại mà cần tiếp tục triển khai tốt hơn ở từng quốc gia cụ thể.

Về danh sách các vấn đề và câu hỏi liên quan tới báo cáo định kỳ lần thứ 7&8 của Việt Nam, Ủy ban CEDAW đã đưa ra 19 vấn đề và 21 câu hỏi. Nội dung chính tập trung vào việc mong muốn Việt Nam làm rõ, bổ sung hoặc giải thích thêm về: các bước đã tiến hành để áp dụng chính sách ngân sách linh hoạt đối với các vấn đề về giới; Các bước tiến hành thực hiện các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, bảo vệ phụ nữ theo các qui định trong Luật Bình đẳng giới; Các vấn đề về phụ nữ và trẻ em gái như: buôn bán, mại dâm, ngược đãi, các vấn đề trong giáo dục, việc làm, trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, vấn đề của phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hôn nhân và quan hệ gia đình; Vấn đề về chính sách tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và các biện pháp bảo vệ trẻ em gái giai đoạn vị thành niên cũng được Ủy ban CEDAW quan tâm và mong muốn giải đáp.

Chia sẻ và cung cấp các kỹ năng, cách thức xử lý thông tin, cung cấp các thông tin trả lời có sự phân tách về giới và đúng với yêu cầu của Ủy ban CEDAW, bà Trần Mai Hương (Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ) và bà Dương Thanh Mai (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) đã có những hướng dẫn và lý lẽ thuyết phục đầy kinh nghiệm của người từng tham gia đi bảo vệ Báo cáo ghép các kỳ trước. Lưu ý quan trọng mà hai chuyên gia nhấn mạnh đó là: Báo cáo trả lời cần ngắn gọn, rõ ràng, trả lời trúng và trả lời trực tiếp vào vấn đề mà Ủy ban đặt ra, kèm theo số liệu, tư liệu cụ thể; Nội dung từng câu nhất quán với Báo cáo ghép lần 7&8 và các câu liên quan; Đặc biệt, cần tham khảo tiếp cận từ nhiều phía, cụ thể như từ phía các tổ chức NGO trong và ngoài nước (Nơi sẽ chuẩn bị bản Báo cáo ‘bóng’ song song với báo cáo ‘hình’ của nhà nước)

Một số những gợi ý, trao đổi trong phiên thảo luận cũng chia sẻ những vấn đề liên quan đến lý lẽ thuyết phục và vấn đề về số liệu mà Ban soạn thảo Báo cáo ghép lần 7&8 cần hết sức quan tâm. Đại diện Ban soạn thảo Báo cáo ghép đã lắng nghe, tiếp thu và bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các đại biểu đã chia sẻ và cung cấp những thông tin cập nhật, quí báu. Tiếp nối nội dung này, ngày 9/2/2015, một buổi hội thảo tiếp theo sẽ đượcBộ LĐ-TB&XH tổ chức với chủ đề: Tham vấn nội dung dự thảo Báo cáo quốc gia đối với danh sách vấn đề Ủy ban CEDAW yêu cầu Việt Nam trả lời liên quan đến tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam.

Về phía Hội LHPNVN và Học viện Phụ nữ Việt Nam, hội thảo đã đem lại nhiều thông tin và kỹ năng quí giá về Báo cáo CEDAW. Những vấn đề của Việt Nam trong quá trình thực hiện Công ước CEDAW, những vấn đề phản hồi chất vấn của Ủy ban CEDAW đối với Báo cáo của Việt Nam sẽ là một trong những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc tiến tới thành lập khoa Giới và mở mã ngành học về Giới của Học viện. Viện Nghiên cứu Phụ nữ cũng nhận thức được rõ hơn về vai trò của mình trong việc đóng góp những cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo CEDAW, đồng thời có những nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái đã và đang được đặt ra trong thời gian hiện nay.