Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái mang tính hệ thống rộng khắp và có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa, định kiến giới. Tổng thư ký LHQ từng nhận xét bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đã lan tràn như một dịch bệnh[1]. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đến hạnh phúc, sức khỏe, sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái cùng với những hậu quả kinh tế, giáo dục, sự phát triển của xã hội, quốc gia. Để hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, Liên Hợp Quốc có Chương trình chung trên toàn cầu về các dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực (gọi tắt là chương trình ESP). Đó là chương trình hợp tác giữa UN Women, UNFPA, WHO, UNDP và UNODC nhằm mục đích giúp mọi phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới có được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ thiết yếu có chất lượng và được điều phối đồng bộ giữa các ngành.

Gói dịch vụ thiết yếu là nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng, triển khai, giám sát các dịch vụ cho mọi phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực, trong các bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Liên Hợp Quốc đã biên soạn bộ tài liệu về Gói dịch vụ thiết yếu làm công cụ thiết thực giúp các quốc gia vạch ra lộ trình rõ ràng để bảo đảm việc cung cấp và phối hợp các dịch vụ có chất lượng trong mọi lĩnh vực. Bộ tài liệu được thiết kế để đảm bảo rằng các dịch vụ trọng mọi lĩnh vực được phối hợp và quản lý để có thể ứng phó một cách toàn diện, lấy phụ nữ làm trung tâm và ở những nơi cần thiết, lấy trẻ em làm trung tâm, bảo đảm trách nhiệm giải trình với nạn nhân của bạo lực cũng như trách nhiệm giải trình giữa các dịch vụ với nhau.

Gói dịch vụ thiết yếu bao gồm 5 hợp phần gối nhau:

  • Hợp phần 1: Tổng quan và giới thiệu
  • Hợp phần 2: Các dịch vụ Y tế thiết yếu
  • Hợp phần 3: Các dịch vụ Tư pháp và hành pháp thiết yếu
  • Hợp phần 4: Các dịch vụ Xã hội thiết yếu
  • Hợp phần 5: Các hành động thiết yếu để điều phối và quản trị điều phối

Thành viên tham gia chương trình tập huấn gồm: Cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh/thành (ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp, Văn hóa,…); các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự cung cấp dịch vụ xã hội; các Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội; các Học viện và Trường đại học. Học viện Phụ nữ Việt Nam là đối tác của Vụ Bình Đẳng Giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được mời tham gia chương trình tập huấn. Tại chương trình tập huấn này, các cán bộ, giảng viên của Học viện đã có những ý kiến đóng góp tạo nên hiệu quả của chương trình.

Sau hai ngày tham dự chương trình tập huấn, các học viên được trang bị nội dung về 05 hợp phần gói dịch vụ thiết yếu. Ngoài ra, lớp tập huấn còn được các chuyên gia Liên Hợp Quốc chia sẻ về kinh nghiệm triển khai gói dịch vụ thiết yếu và cơ chế điều phối và quản trị điều phối ở Thụy Điển, Nam Phi, Băng-la-đet, Campuchia, Đôngtimo. Tại chương trình tập huấn này, các chuyên gia trong nước cũng có 3 tham luận về các chủ đề: (1) Các dịch tư pháp và hành pháp thiết yếu từ Bộ Tư pháp; (2) Các dịch vụ xã hội – những yếu tố cốt lõi và hướng dẫn về chất lượng từ tổ chức UNPA Việt Nam; (3) Tăng cường công tác ứng phó tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ngành y tế từ Bộ Y tế.

Khóa tập huấn có ý nghĩa không chỉ bởi được tiếp cận các gói dịch vụ thiết yếu mà còn là sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm điều phố và quản trị điều phối để liên kết chặt chẽ, tăng cường sức mạnh của các gói dịch vụ thiết yếu, tổng hợp nguồn lực thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực thực hiện gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực ở Việt Nam.

[1] Liên Hợp Quốc  (2006). Báo cáo nghiên cứu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Bạo lực với phụ nữ A/61/122/Add.1.