Sau gần 9 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác tuyên truyền- giáo dục nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho cán bộ và nhân dân ở các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức và công dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới đang ngăn cản sự phát triển của đất nước, từ đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng.

Công tác tuyên truyền –giáo dục về bình đẳng giới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội. Các tấm gương tiêu biểu của giới nữ ở nhiều độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, lĩnh vực hoạt động khác nhau là minh chứng sáng rõ cho vấn đề nêu trên. Bên cạnh tuyên truyền chính thống thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị thì các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: phát thanh, truyền hình, tạp chí, tờ rơi, hội thi tìm hiểu… Các hoạt động này đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền –  giáo dục về giới tới các cấp, các địa phương, tới mọi đối tượng dân cư trong cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết về giới và bình đẳng giới. Đồng thời vấn đề bình đẳng giới còn được tiến hành lồng ghép trong nhiều hoạt động chuyên đề của từng cơ quan và trong nhiều chương trình, dự án kinh tế – xã hội khác ở các cấp, các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, nhận thức vấn đề bình đẳng giới trong các nhóm xã hội (gia đình, dòng họ, làng xã, dân tộc, nghề nghiệp) vẫn còn thiếu sự thống nhất. Tư tưởng“trọng nam khinh nữ”ngự trị dai dẳng trong xã hội vẫn tiếp tục là hệ quả xấu đối với nam giới trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ. Vấn đề trên có thể do nhiều nguyên nhân nhưng trước hết và chủ yếu do công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát với đối tượng. Các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, để pháp luật về bình đẳng giới ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, thiết nghĩ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất,  tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách cũng như toàn cộng đồng, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã rất coi trọng việc xem xét và lồng ghép các mục tiêu, nguyên tắc bình đẳng giới vào trong nhiều đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Bộ Luật Lao động (sửa đổi)… Cùng với các cơ quan Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là việc tham gia ý kiến về lồng ghép giới trong quá trình thảo luận và ban hành các đạo luật.  

Thứ hai, với thế mạnh và tư cách là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, có chức năng vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới – Hội LHPN Việt Nam – cần xây dựng chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, có chính sách thu hút các chuyên gia về giới tham gia đào tạo và đầu tư cho Học viện Phụ nữ Việt Nam trở thành đơn vị hàng đầu trong nước về đào tạo nguồn nhân lực về giới và phát triển; mà mục tiêu cụ thể trước mắt là Học viện Phụ nữ Việt Nam cần phải xúc tiến thành lập khoa Giới và phát triển hoặc Nghiên cứu giới để tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân về giới. Mặc dù, những năm gần đây, đào tạo giới ở nước ta đã bắt đầu được chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn còn là vấn đề đáng bàn vì thực tế trình độ của đội ngũ giảng viên làm về giới vẫn còn hạn chế, tài liệu về vấn đề này dù nhiều, nhưng phần lớn là tiếng nước ngoài nên không phải ai cũng tiếp cận được. Đó là chưa kể bộ môn này mới chỉ được đào tạo trong một số khoa, ngành chuyên ngành xã hội như: xã hội học, tâm lý học, công tác xã hội… hoạt động nghiên cứu về giới ở nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế cả về nội dung lẫn phương pháp.

Thứ ba, Vụ Bình đẳng giới, bộ LĐ-TB và XH cần làm tốt vai trò đầu mối trong xây dựng chương trình và tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ. Thông qua các khoá đào tạo, tập huấn này mà góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế – xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn. Các nội dung đào tạo, tập huấn cần cung cấp cho đội ngũ cán bộ này các kiến thức mang tính toàn diện khách quan về bình đẳng giới. Cần phân tích thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại ở nước ta hiện nay đã cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội để họ có được nhận thức và hành động đúng đắn hơn trong việc lồng ghép giới vào phát triển kinh tế – xã hội ở từng ngành, từng địa phương đạt hiệu quả.

Thứ tư, đối với cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tăng cường các hoạt động tập huấn để các loại tài liệu tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, về giới và bình đẳng giới đến được với tất cả phụ nữ và cộng đồng. Cần có nhiều chương trình, dự án để lồng ghép với phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, tạo điều kiện phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ, trên cơ sở này sẽ giúp cả giới nam và giới nữ xoá bỏ những tư tưởng phong kiến, lạc hậu ăn sâu trong tâm trí người dân, tạo điều kiện cho bình đẳng giới được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn. cần phải có sự đầu tư, tạo điều kiện thích đáng cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở vì đây là cấp hành động, là cấp gần dân nhất. Tạo điều kiện để xây dựng tủ sách pháp luật nói chung, có liên quan đến bình đẳng giới nói riêng ở cơ sở là một hoạt động cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Các loại sách phải có nội dung đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với từng đối tượng.

Thứ năm, phải có sự phối kết hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; đồng thời tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới

Thứ năm, đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường phổ thông, rà soát những định kiến, khuôn mẫu trong sách giáo khoa, xây dựng nội dung và phương pháp  giảng dạy và học tập về khoa học Giới từ hệ phổ thông nhằm giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội.