1. Giới thiệu chung về chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo được ban hành theo Quyết định số 801/QĐ-HVPNVN ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam.

                 

– Tên tiếng Việt: Giới và Phát triển                

– Tên tiếng Anh: Gender and Development

– Mã số ngành đào tạo: 7310399

– Trình độ đào tạo: Cử nhân           

– Thời gian đào tạo chuẩn toàn khoá :4 năm

– Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt

– Văn bằng tốt nghiệp: Bằng cử nhân

– Đơn vị đào tạo và cấp bằng: Học Viện Phụ Nữ Việt Nam

2. Mục tiêu chương trình đào tạo 

2.1 Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân ngành Giới và Phát triển có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức chuyên môn toàn diện về giới và phát triển, có trách nhiệm giới, có kỹ năng thực hành giới, thực hành phát triển; có năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và thực hiện các giải pháp, dự án, chương trình phát triển thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững; có khả năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và thể hiện ý thức trách nhiệm cộng đồng và công bằng xã hội; có khả năng thích ứng với sự thay đổi hướng tới phát triển bền vững; có thể đề xuất được các giải pháp dựa trên bằng chứng để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới, bất bình đẳng liên tầng, và các vấn đề phát triển khác. Đáp ứng được các chuẩn đầu ra bậc 6 được tuyên bố trong khung trình độ quốc gia Việt Nam; góp phần phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam thành cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng.

 

2.2 Các mục tiêu cụ thể

      2.2.1. Về kiến thức: 

Đào tạo cử nhân ngành Giới và Phát triển có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức chuyên môn toàn diện; phân tích được các khái niệm, lý thuyết, cách tiếp cận  giới và phát triển, phát triển bền vững vững một cách có hệ thống; vận dụng được lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận đặc trưng của ngành  giới và phát triển trong phát hiện, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và vấn đề phát triển; nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các quan điểm, chủ trương thúc đẩy bình đẳng, phát triển.

2.2.2 Về kỹ năng: 

Đào tạo cử nhân ngành Giới và Phát triển có kỹ năng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và vấn đề phát triển; áp dụng được kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới, đánh giá tác động giới, xây dựng và quản lý dự án phát triển, truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, kỹ năng tập huấn, nâng cao năng lực về bình đẳng giới và lồng ghép giới cho cán bộ và người dân và một số kỹ năng thực hành giới, thực hành phát triển khác; có kỹ năng làm việc độc lập, sáng tạo; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; có kỹ năng ngoại ngữ, tin học tốt; có kỹ năng nghiên cứu khoa học và tự học.

 

2.2.3 Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: 

Cử nhân ngành Giới và Phát triển có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng quyền và nhân phẩm con người; có tinh thần phụng sự cộng đồng và vì sự tiến bộ, công bằng xã hội; có thái độ nghiêm túc và công bằng khi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề giới, vấn đề phát triển. 

3. Chuẩn đầu ra

Chương trình đào tạo gồm 4 chuẩn đầu ra về kiến thức; 6 chuẩn đầu ra về kỹ năng; 3 chuẩn đầu ra về năng lực tự chủ, trách nhiệm và chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học. 

 

3.1 Chuẩn đầu ra về kiến thức (KT )

  • KT1: Hiểu được những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
  • KT2: Phân tích được các vấn đề bất bình đẳng giới, các rào cản phát triển, đề ra được các giải pháp dựa trên bằng chứng để  giải quyết được các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn.
  • KT3: Vận dụng được các kiến thức nền tảng về lý thuyết, phương pháp tiếp cận, các quy luật tự nhiên và xã hội trong học tập, nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp.
  • KT4: Vận dụng được được các kiến thức về bình đẳng giới, về phát triển, về phân tích giới, lồng ghép giới trong phân tích, phát hiện và giải quyết các vấn đề giới, các rào cản phát triển; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới và lồng ghép giới cho cán bộ và người dân; thúc đẩy phát triển con người và phát triển bền vững.

 

3.2 Chuẩn đầu ra về kỹ năng (KN)

  • KN1: Có kỹ năng giải quyết các vấn đề/tình huống trong thực tiễn cuộc sống và công việc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
  • KN2: Có kỹ năng giao tiếp, ứng xử cần thiết; có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện, tư duy phê phán và đưa ra được các giải pháp thay thế trong bối cảnh thay đổi.
  • KN3: Hình thành và áp dụng được các kỹ năng thực hành giới cơ bản như phân tích giới, lồng ghép giới, đánh giá tác động giới, tuyên truyền vận động giới và một số kỹ năng thực hành giới khác để giải quyết được các vấn đề cơ bản liên quan đến chuyên môn;
  • KN4: Hình thành và áp dụng được các kỹ năng thực hành phát triển cơ bản như  kỹ năng xây dựng và quản lý dự án phát triển, kỹ năng lập kế hoạch và một số kỹ năng thực hành phát triển khác để giải quyết được các vấn đề cơ bản liên quan đến chuyên môn;
  • KN5: Có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu, thông tin để xác định và giải quyết các vấn đề thực tế trong lĩnh vực giới và phát triển.
  • KN6: Có khả năng tự học, tự nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

 

3.3 Chuẩn đầu ra về năng lực tự chủ và trách nhiệm (TC)

  • TC1: Có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tinh thần trách nhiệm, tính tự giác trong học tập và rèn luyện góp phần xây dựng đất nước.
  • TC2: Có nhạy cảm giới trong cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
  • TC3: Chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá các kiến thức về giới, về phát triển. Thể hiện nhạy cảm giới và trách nhiệm giới, ý thức trách nhiệm  vì cộng đồng, công bằng xã hội, và phát triển bền vững.

 

3.4. Chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ, tin học

  • NN1: Sử dụng được Tiếng Anh giao tiếp ở trình độ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
  • IT1: Có khả năng hiểu biết tổng quan về hệ thống máy tính, tổ chức dữ liệu, các tài nguyên và mạng máy tính, thành thạo các kỹ năng sử dụng một số phần mềm văn phòng, khai thác ứng dụng tài nguyên, dịch vụ mạng internet.

4. Cấu trúc và nội dung Chương trình đào tạo

– Tổng số tín chỉ: 122 tín chỉ, chưa kể các học phần tiếng Anh (14 TC), giáo dục thể chất (3 TC) và Giáo dục quốc phòng (8 TC).

– Phân bổ theo các khối kiến thức như sau:

         + Giáo dục đại cương: 35 tín chỉ, trong đó các học phần bắt buộc là 31 tín chỉ, các học phần tự chọn là 04 tín chỉ;

         + Cơ sở ngành: 20 tín chỉ, trong đó các học phần bắt buộc là 16 tín chỉ, các học phần tự chọn là 04 tín chỉ;

         + Ngành và chuyên ngành: 47 tín chỉ, trong đó các học phần bắt buộc là 42 tín chỉ, các học phần tự chọn là 06 tín chỉ;

+ Bổ trợ: 04 tín chỉ tự chọn;

+ Chuyên đề thực hành: 07 tín chỉ;

+ Thực tập nghề nghiệp và khóa luận tốt nghiệp: 11 tín chỉ.

– Tỷ lệ tín chỉ thực hành/tổng số tín chỉ là : 38,0 %.

 

Xin vui lòng xem thêm chi tiết trong khung chương trình đào tạo năm 2023 (Dẫn đường link đến chương trình đào tạo 2023: https://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/chuan-dau-ra—chuong-trinh-nganh-hoc/quyet-dinh-ban-hanh-muc-tieu-chuan-dau-ra-chuong-trinh-dao-tao-va-bo-de-cuong-cac-hoc-phan-nganh-gioi–phat-trien-49566.htm ). 

5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Với những kiến thức chuyên sâu của ngành Giới và Phát triển, sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm. Cụ thể như:

  • Cán bộ chuyên trách, chuyên viên về giới, về phát triển, làm việc trong các ban Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến địa phương;
  • Cán bộ, chuyên viên làm việc tại các các tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn);
  • Cán bộ chuyên trách, hoạch định chính sách, các chuyên viên làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có liên quan về giới và phát triển từ Trung ương đến địa phương như UBND, các sở, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin – truyền thông, Giáo dục, Y tế, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ;
  • Cán bộ, phóng viên làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông
  • Cán bộ, nghiên cứu viên nghiên cứu về các vấn đề giới, lồng ghép giới và phát triển trong các viện nghiên cứu, các nhà trường, học viện, các trường sư phạm trên cả nước;
  • Cán bộ chương trình, điều phối viên về giới, về phát triển trong các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước;
  • Chuyên gia tư giới, tư vấn xã hội, chuyên gia đào tạo về giới – lồng ghép giới cho các dự án, chương trình phát triển của các tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ, các quỹ và chương trình hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế;
  • Giáo viên, giảng viên giảng dạy về Giới và Phát triển trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trường sư phạm; giáo viên giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm;
  • Cán bộ nhân sự cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng;
  • Chủ doanh nghiệp xã hội, tự khởi nghiệp trong các lĩnh vực chuyên sâu hoặc liên quan đến giới – phát triển với mục đích phát triển cộng đồng…

Ảnh: Sinh viên Khóa 8-Giới và Phát triển tốt nghiệp năm 2024

Sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh cùng lãnh đạo khoa